Tên đầy đủ | BỆNH VIỆN QUÂN Y 103 |
Địa chỉ | Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nộ |
Điện thoại, Fax | |
Website, Email | |
Sản phẩm | |
Lượt xem | 7624 |
1. Ban Giám đốc:
- Giám đốc Bệnh viện: Thiếu tướng PGS.TS. Trần Viết Tiến.
- Chính ủy Bệnh viện: Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử.
- Phó Giám đốc Ngoại: Đại tá PGS. TS. Vũ Nhất Định
- Phó Giám đốc Nội: Đại tá PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh Oanh.
- Phó Giám đốc Y vụ: Đại tá PGS. TS. Nguyễn Văn Khoa
- Phó Giám đốc Huấn luyện & NCKH: Đại tá PGS. TS. Nghiêm Đức Thuận
2. Lịch sử thành lập:
Đội điều trị 3 (tiền thân của Bệnh viện 103) thành lập ngày 20/12/1950 tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng (nay là xã Trung Giáp), huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Tháng 8 năm 1958, theo Quyết định của Tổng cục Hậu cần, Đội điều trị 3 được chuyển thành Viện Quân y 103.
Tháng 12 năm 1958 Bộ quốc phòng có quyết định chuyển Viện Quân y 103 thuộc quyền quản lý của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về trực thuộc Trường sỹ quan Quân y và trở thành bệnh viện thực hành của Trường
Ngày 21 tháng 5 năm 1989 Bộ Tổng tham mưu có Quyết định số 183/QĐ-TM công nhận Viện Quân y 103 là Bệnh viện hạng I của Quân đội. Năm 1995 Viện Quân y 103 được đổi tên thành Bệnh viện 103
3. Chức năng nhiệm vụ:
Huấn luyện lâm sàng, cận lâm sàng cho các đối tượng học viên đại học, sau đại học và trên đại học ngành Y, Dược.
Nghiên cứu khoa học phục vụ cho nhu cầu phát triển cho Y học nói chung và Y học Quân sự nói riêng.
Khám, chữa bệnh theo tuyến và khu vực cho bộ đội, các đối tượng chính sách, bảo hiểm Y tế và nhân dân; phục vụ tuyến, sẵn sàng ứng cứu các vụ dịch, thảm họa, lũ lụt; đảm bảo quân y đảo Nam Yết (Trường Sa) .
4. Thành tích:
Đào tạo:
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện Lâm sàng, cận lâm sàng các bậc đại học, sau đại học ngành Y, Dược Tham gia đào tạo 22.000 Bác sỹ, Dược sỹ, 650 Tiến sỹ, 1.800 Thạc sỹ, 4.200 Chuyên khoa I, chuyên khoa II, 10.000 chuyên khoa định hướng. Huấn luyện bình quân hàng năm 60 lớp, với lưu lượng gần 2000 học viên.
Tích cực đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu gắn kết giữa Đào tạo – Điều trị, đóng góp tích vực cho sự phát triển của ngành Y học nước nhà nói chung và Y học Quân sự nói riêng.
Nghiên cứu khoa học:
Thực hiện trên 1.000 đề tài, nhánh đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ; 4.000 đề tài cấp cơ sở, 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Tham gia “Cụm công trình ghép tạng”, là cơ sở khoa học để thực hiện thành công ca ghép thận (năm 1992), ghép gan (năm 2004) và ghép tim (năm 2010) đầu tiên trên người tại Việt Nam. Đến nay đã chuyển giao và phối hợp với 11 bệnh viện trong cả nước thực hiện thành công trên 300 ca ghép thận trên người và 4 bệnh viện thực hiện thành công 12 ca ghép gan trên người. Về giá trị kinh tế, so với thế giới chi phí cho một ca ghép thận tại Việt Nam rẻ hơn 3,5 lần, chi phí cho một ca ghép gan ở Việt Nam rẻ hơn 2,4 lần. Thành tựu khoa học có ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Đồng thời là động lực thúc đẩy một loạt chuyên ngành y học phát triển. Với giá trị khoa học và giá trị thực tiễn đặc biệt xuất sắc. Cụm công trình Ghép tạng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (Giải thưởng khoa học cao quý nhất của Việt Nam)
Điều trị:
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu: Ngay sau khi được thành lập, Đội điều trị 3 được giao nhiệm vụ phục vụ các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội trực tiếp phục vụ các trận đánh ở đồi Độc Lập, Bản Kéo, Nà Tấn, Mường Phăng. Chiến dịch toàn thắng, Đội được lệnh chuyển vào trung tâm Mường Thanh để cứu chữa cho thương binh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Viện quân y 103 thu dung điều trị hàng ngàn thương binh, bệnh binh từ các chiến trường chuyển về, đồng thời cử nhiều cán bộ vào chiến trường Miền Nam phục vụ chiến đấu. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra Miền Bắc, Bệnh viện tích cực phục vụ chiến đấu, cứu chữa bộ đội và nhân dân bị thương. Trong thời gian này, đội hình Bệnh viện bị máy bay Mỹ oanh tạc, ba bác sĩ, hai y tá đã anh dũng hy sinh và ba đồng chí khác bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nhiều thương binh nặng chuyển về bằng cả đường bộ và đường không, đồng thời cử nhiều bác sĩ và thành lập Đội điều trị 46 vào chiến trường Tây Nam, Đội điều trị 47, 49 lên biên giới phía Bắc phục vụ chiến đấu.
Từ năm 1992, hàng năm Bệnh viện cử Đội công tác ra chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thuộc đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa.
Năng động, sáng tạo, đi tắt đón đầu, tiếp cận trình độ y học hiện đại của khu vực và quốc tế hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị.
Khám bệnh cho trên 10.000.000 lượt người, thu dung điều trị 1.200.000 bệnh nhân; phẫu thuật trên 600.000 ca.
Những năm gần đây, mỗi năm tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà, cấp thuốc miễn phí cho 15.000 lượt thương binh, các đối tượng chính sách và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Tổ chức khám bệnh theo tuyến cho hàng nghìn lượt người tại các nhà máy, xí nghiệp; công, nông trường; giám định y khoa cho hàng trăm lượt người.
Nhiều kỹ thuật, xét nghiệm bậc cao và chuyên sâu được áp dụng vào khám và điều trị, tiếp cận trình độ y học khu vực và quốc tế như : Ghép thận, ghép gan, ghép tim, mổ tim mở, tán sỏi ngoài cơ thể, thụ tinh trong ống nghiệm, thay thủy tinh thể…
Các công tác khác:
Đảng bộ Bệnh viện là tổ chức cấp trên trực tiếp cơ sở Đảng, với gần 800 đảng viên. Đảng ủy, Đảng bộ Bệnh viện liên tục đạt TSVM, Bệnh viện đạt đơn vị VMTD. Đơn vị đoàn kết thống nhất, dân chủ được phát huy, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, đời sống của cán bộ nhân viên được quan tâm và ngày càng được cải thiện.
Xây dựng đội ngũ:
Từ trước đến nay bệnh viện có 17 giáo sư, 103 phó giáo sư, 7 tiến sỹ khoa học, 190 tiến sỹ, trên 300 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, 5 nhà giáo nhân dân, 9 thầy thuốc nhân dân, 7 nhà giáo ưu tú, 123 thầy thuốc ưu tú, 2 đồng chí được thăng quân hàm cấp tướng.
Khen thưởng:
Ghi nhận thành tích của các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bệnh viện qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, Ngành của Trung ương và các địa phương đã tặng cho đơn vị nhiều phần thưởng cao quý.
Hai lần danh hiệu Anh hùng LLVTND (1989, 2009)
03 Huân chương Quân công
05 Huân chương Chiến công
01 Huân chương Lao động
Bệnh viện được bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị có môi trường văn hóa”; được Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng động” và được tặng nhiều Cờ thưởng, Bằng khen, Giấy khen các loại.
04 đơn vị (Bộ môn – khoa Bỏng, Bộ môn Tim – Thận – Khớp - Nội tiết, Bộ môn - Khoa Ngoại bụng, Bộ môn - Khoa Truyền nhiễm) được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Nhiều đơn vị được tặng thưởng Huân chương, Cờ thưởng, Bằng khen các loại.
Nhiều cá nhân được tặng đồng giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu khoa học.
5. Liên hệ:
- Bệnh viện 103 - Học viện Quân y - Hà Đông - Hà Nội.
- Website: http://www.benhvien103.vn