Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Lượt xem: 13269
(ĐCSVN) - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền Thông tổ chức Hội nghị – Tập huấn tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho phóng viên, biên tập các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Cuộc vận động (CVĐ) không phải là việc bảo hộ mậu dịch cho các doanh nghiệp trong nước mà là việc tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng quan tâm hơn tới hàng hóa trong nước. Trong những năm qua, CVĐ đã phát huy hiệu quả đáng khích lệ. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều. Đặc biệt, người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ lớn. Việc lưu thông cũng đã được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được triển khai sâu rộng. Cũng theo ông Trần Đức Lai, qua hơn 3 năm thực hiện, hoạt động thông tin truyền thông cho CVĐ đã có nhiều thay đổi; phát huy được lòng yêu nước, ý chí tự hào, tự tôn dân tộc; tạo tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng của người dân cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, giới kinh doanh đã nhận thức sâu hơn trách nhiệm của mình trong vấn đề sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa.. Tại hội nghị, ông Lê Bá Trình, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, về công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo cấp uỷ các cấp đã kịp thời hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ đảng, đoàn thể nhân dân, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội liên quan đến tổ chức triển khai Cuộc vận động. Ngành Thông tin và truyền thông thường xuyên phối hợp với ban tuyên giáo, hội nhà báo các cấp hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí về việc tuyên truyền cuộc vận động.
Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại. Cụ thể, đã có 57 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện được 1.443 hội chợ, triển lãm; 54 tỉnh, thành phố đã tổ chức được gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn. Bộ Công Thương đã phê duyệt gần 370 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là hơn 400 tỷ đồng, trong đó có hơn 170 đề án phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới, hải đảo với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 150 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung - cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế đất nước. Về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ đến năm 2015, ông Lê Bá Trình cho biết, mục tiêu đến năm 2015, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên sắm hàng hoá sản xuất trong nước khi mua sắm công. 100% cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục định kỳ về cuộc vận động. 100% các tổ chức đoàn thể các cấp tuyên truyền về Cuộc vận động và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động. 90% cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. 80% người tiêu dùng ưu tiên hàng hoá thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Ông Lê Bá Trình cũng lưu ý: Cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân các cấp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của cuộc vận động, tạo nên sự đồng thuận cao và quyết tâm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động ở mọi cấp, mọi ngành. Báo chí và truyền thông góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, hàng hoá tốt của Việt Nam. Tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội để xây dựng văn hoá sản xuất, tiêu dùng: kịp thời biểu dương, tôn vinh; tạo dư luận xã hội phê phán, lên án và bài trừ những hành vi tiêu cực trong sản xuất và tiêu dùng. Hỗ trợ và cung cấp thông tin để các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước xử lý những vấn đề về thị trường nhanh, chính xác, đủ sức răn đe và tạo niềm tin trong xã hội. Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, để phát triển thị trường trong nước về hàng Việt Nam, cần chú ý tới chương trình thông tin và truyền thông, quảng bá, tôn vinh hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tới chương trình sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước sản xuất được ngày càng mở rộng, chương trình mở rộng và đa dạng hoá kênh phân phối hàng Việt; hoạt động mở rộng kết nối cung cầu từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần thực hiện nhóm các giải pháp giúp thay đổi về nhận thức và hành vi đối với cộng đồng hàng Việt; nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt; nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.../. |
||
(Nguồn:http://dangcongsan.vn) |